ĐẲNG CẤP TỪ SỰ KHÁC BIỆT

Thủy điện là dạng năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường. Hồ chứa thủy điện kết hợp điều tiết chống lũ và cấp nước cho nhu cầu phát triển kinh tế ở hạ du, cải thiện điều kiện giao thông thủy trên sông. Mục tiêu của thủy điện là tận dụng khai thác tiềm năng kinh tế - kỹ thuật của các dòng sông. Do vậy, thuỷ điện được ưu tiên khai thác và đóng góp tỉ trọng lớn trong tổng sản lượng điện của nhiều quốc gia: Na Uy thủy điện sản xuất trên 95% tổng sản lượng điện, Iceland thủy điện sản xuất khoảng 83%, Áo khoảng 67%, Canada là nước sản xuất điện từ thủy điện lớn nhất thế giới và lượng điện này chiếm hơn 70% tổng lượng điện sản xuất của họ. (Nguồn: website EVN và Bách khoa toàn thư mở).

Tại Việt Nam, nhà máy thủy điện đầu tiên là Ankroet (tỉnh Lâm Đồng) do người Pháp xây dựng năm 1945. Quá trình phát triển của thuỷ điện trải qua ba thời kỳ: Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975); Thời kỳ kinh tế bao cấp và bắt đầu đổi mới (1976 - 1990); Thời kỳ từ 1990 đến nay, nhờ sự phát triển kinh tế và thay đổi chính sách của Nhà nước đã tạo ra sự phát triển một cách thần tốc của các công trình thủy điện, sản lượng điện từ thuỷ điện chiếm một tỉ trọng áp đảo trong tổng cơ cấu nguồn điện, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế những năm qua. Năm 2013, sản lượng thuỷ điện đạt khoảng 58,6 tỉ kWh, chiếm 45,8%, năm 2014 sản lượng thuỷ điện đạt khoảng 62,5 tỉ kWh, chiếm 44,4%, trong đó, thuỷ điện nhỏ (công suất lắp đặt <=30 MW), cung cấp sản lượng điện hàng năm lên tới 6 tỉ kWh, chiếm khoảng 10% sản lượng của thuỷ điện (Nguồn website EVN). Con số này có được là nhờ chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư thuỷ điện góp phần tăng cường nguồn cung cho lưới điện quốc gia.

Công ty Cổ phần ZaHưng ra đời và phát triển trong thời kỳ phát triển thứ 3 của thuỷ điện Việt Nam theo chính sách khuyến khích đầu tư của Nhà nước. Trải qua 10 năm xây dựng và trưởng thành ZaHưng đã xác lập được vị thế của một đơn vị sản xuất điện năng ngày càng uy tín, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự phát triển của đất nước bằng sự khác biệt trong cách làm, được thể  hiện qua nhiều khía cạnh khác nhau.

Đại tá Nguyễn Trọng Thông – Chủ tịch HĐQT

Thứ nhất, công tác hoạch định chiến lược đầu tư phát triển của Công ty thể hiện sự khác biệt về trí tuệ, phẩm chất, bản lĩnh của người đứng đầu và vai trò của HĐQT.

Trước hết thể hiện qua việc lựa chọn dự án đầu tiên để triển đầu tư. Năm 2005 Công ty Cổ phần ZaHưng được thành lập để triển khai dự án Thủy điện Za Hung có công suất 30MW tại huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Đây là một dự án có quy mô được coi là “vừa tầm” với Công ty trên các góc độ về kinh tế, kỹ thuật, kinh nghiệm thi công, vận hành dự án. Đầu tư sản xuất điện năng là lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn, thu hồi trong dài hạn, phần lớn nguồn vốn đầu tư (khoảng 70%) được huy động từ các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, thị trường tài chính luôn có biến động, tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro cao. Theo dõi từ năm 1997 đến năm 2005, mặc dù chưa hội nhập sâu với khu vực và thế giới nhưng thị trường tài chính Việt Nam cũng đã trải qua 2,3 đợt biến động lớn. Tác động của những biến động này là lãi vay tăng cao, khó huy động vốn, đặc biệt là huy động vốn đầu tư dài hạn như thủy điện. Nhìn nhận từ góc độ quản lý kỹ thuật thì quyết định lựa chọn dự án Za Hung để triển khai đầu tiên thể hiện rõ nét hơn. Nói cụ thể là, tài chính tuy khó khăn nhưng vẫn có thể huy động được, nhưng những sai sót về kỹ thuật đối với công trình vận hành trên 50 năm là không thể khắc phục và sửa chữa. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp lựa chọn các dự án không phù hợp với năng lực tài chính, không quản lý được kỹ thuật đều dẫn đến dự án chậm triển khai, hoặc khi vận hành thiếu an toàn, kém hiệu quả. Những hệ quả này đều trực tiếp dẫn đến nguy cơ mất an toàn, thiệt hại về kinh tế nhiều trường hợp đã bị phá sản. Quyết định đầu tư dự án thủy điện Za Hung sau 10 năm nhìn lại và đánh gia trong dài hạn vẫn thấy được đây là quyết định đúng đắn, mang tính quyết định sự phát triển của Công ty ZaHưng sau này.

Giãn đầu tư dự án thuỷ điện Nậm Pông là một quyết sách lớn để đảm bảo cho sự chuẩn bị các điều kiện cần thiết một cách tốt nhất. Việc này đã tránh được sự dàn trải về lực lượng và nguồn lực tài chính. Đặc biệt dự án Za Hung lại là dự án đầu tiên Công ty đầu tư nên việc bám sát, trực tiếp điều hành và quản lý tại hiện trường là điều hết sức cần thiết. Nhờ quyết định này, dự án Za Hung đã được tập trung cao nhất để hoàn thiện và phát điện an toàn.

Chỉ đạo, kiểm tra quyết liệt và truyền lửa nhiệt huyết cho Ban điều hành và đội ngũ CBCNV. Hình ảnh ông Chủ tịch HĐQT tới công trường kiểm tra, thăm tình hình làm việc đã trở lên gần gũi đối với Ban điều hành và đội ngũ CBCNV. Điều này như một nguồn cổ vũ động viên lớn, tiếp thêm tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm cho mọi người trong công việc. Bên cạnh việc kiểm tra công tác điều hành dự án, sự kết hợp thực hiện công tác dân vận của Chủ tịch HĐQT cũng gây ấn tượng đặc biệt với CBCNV Công ty và người dân.  

Chủ tịch HĐQT thăm gia đình người dân trong một dịp kiểm tra dự án Nậm Pông – Nghệ An

Đưa ra chiến lược mới, định hướng mới khi đã hội đủ các điều kiện cần thiết. Đến năm 2014, qua gần 10 năm xây dựng và trưởng thành, khi các điều kiện đã phù hợp, Công ty đã đưa ra quyết định: đầu tư dự án thuỷ điện Nhạn Hạc có công suất 59 MW tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An; Tìm kiếm và phát triển các dự án mới như thủy điện ĐăkRông4 (Công suất 21MW) tại tỉnh Quảng trị; bổ sung quy hoạch thủy điện Sông Hiếu (công suất 14MW) tại tỉnh Nghệ An vào thời điểm thích hợp; Mua bán, chuyển nhượng các dự án thuỷ điện có hiệu quả khả thi với mục tiêu sở hữu công suất phát điện khoảng 200MW vào năm 2020 (trích Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên Công ty năm 2015). Quyết định trên đánh dấu bước chuyển biến lớn của Công ty sau gần 10 năm xây dựng và trưởng thành. Từ chỗ chỉ tổ chức, quản lý đầu tư từng dự án, qua gần 10 năm quy mô, năng lực đầu tư của Công ty đã tăng lên gấp đôi. Đồng thời với quá trình triển khai dự án, Công ty tiếp tục tìm kiếm các dự án mới. Chủ trương, tầm nhìn của lãnh đạo đã quyết định đến sự phát triển, thay đổi tầm vóc của Công ty.

Thứ  hai, sự khác biệt thể hiện trong công tác tổ chức, quản lý của Ban điều hành Công ty. Hoạt động của BĐH là sự cụ thể hoá các chủ trương, quyết định của HĐQT và ĐHĐCĐ. Nghị quyết của HĐQT, ĐHĐCĐ đã xác định lĩnh vực hoạt động cốt lõi của Công ty Cổ phần ZaHưng là đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành các dự án thuỷ điện. Triển khai đầu tư tốt, vận hành hiệu quả các nhà máy là mục tiêu hành động và nhiệm vụ trọng tâm của BĐH Công ty. Điều hành theo mục tiêu nhưng coi trọng những khâu then chốt, trọng tâm là công tác thiết kế, hoạch định tổng thể các hạng mục công trình, hệ thống thiết bị của toàn dự án. Hoạt động cụ thể là tổ chức điều hành kế hoạch, gắn kết hoạt động của các bộ phận chức năng, tư vấn, chuyên gia. Thực tế cho thấy đây là vấn đề không mới, cũng không khó nhận ra đối với những người trong nghề, nhưng để thực hiện nó đòi hỏi phải có “Tâm” và có “Tầm”. Hàm ý của nhận định này đòi hỏi người điều hành phải thực sự tâm huyết, trách nhiệm trong công việc. Đồng thời phải có một năng lực nhất định để định hướng, cảm nhận và quyết định. Thiếu một trong hai điều này có thể dự án sẽ tiềm ẩn những rủi ro lớn về an toàn của người dân, cán bộ vận hành hoặc thiệt hại nặng nề về kinh tế. Có ý kiến phản biện cho rằng, có tiền sẽ thuê được tư vấn giỏi, thiết kế giỏi, quản lý kỹ thuật giỏi, TGVS giỏi,… Điều này không có gì sai, nhưng chưa đủ và còn những khía cạnh quan trọng khác phải được xem xét để tạo ra những nhà máy thuỷ điện hoạt động hiệu quả. Khi triển khai dự án Nhạn Hạc, Công ty ZaHưng đã thuê Công ty Cổ phần Tư vấn điện I (Đơn vị thiết kế dự án Sơn La, Lai châu, các dự án lớn cấp quốc gia khác) và nhiều chuyên gia hàng đầu về thuỷ điện tại Việt Nam để thẩm tra. Cũng mới đây, Tư vấn điện1 và chuyên gia đã đưa ra 11 phương án về Sơ đồ khai thác của dự án. Trước khi đưa ra trình HĐQT quyết định, TGĐ yêu cầu tư vấn, chuyên gia nghiên cứu đưa ra hết những phương án để xem xét. Sau khi xem xét đầy đủ các phương án BĐH đã tổ chức báo cáo với HĐQT toàn bộ các phương án đã nghiên cứu và đề xuất một phương án tối ưu với đầy đủ cơ sở khoa học, kỹ thuật, kinh tế. Điều này phản ánh “Tầm” của BĐH Công ty và hàm chứa sự khác biệt!

Thứ ba, phẩm chất, năng lực của đội ngũ CBCNV thể hiện sự khác biệt: Nói về đội ngũ CBCNV vận hành: Công ty đã tự chủ gần như hoàn toàn về kỹ thuật vận hành, duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống thiết bị của Nhà máy. Nhìn ra các đơn vị khác, rất nhiều đơn vị chưa đủ năng lực làm việc này. Trong các dịp duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng lớn hàng năm, xử lý sự cố phức tạp các nhà máy này đều phải thuê đơn vị khác thực hiện. Làm được việc này, với mỗi người CBCNV vận hành của Công ty ZaHưng đều có quyền tự hào về năng lực, trình độ của bản thân đã đáp ứng được những đòi hỏi cao của nghề nghiệp. Bên cạnh đó, tự chủ được về kỹ thuật cũng đồng nghĩa với việc sẽ tiết kiệm được chi phí thuê ngoài để tăng thu nhập cho CBCNV. Hệ quả này có xuất phát từ định hướng ban đầu của lãnh đạo Công ty. Tuyển chọn kỹ, đào tạo bài bản, thực tập thành thạo kỹ năng là những yếu tố đã góp phần hình thành nên một đội ngũ CBCNV làm chủ được kỹ thuật công nghệ. Đào tạo lý thuyết kết hợp với thực hành, Chương trình đạo tạo được xây dựng dựa trên thực tế quá trình vận hành, không đặt nặng lý thuyết. Chương trình được tổ chức thẩm tra, thẩm định kỹ từ bộ phận kỹ thuật của Công ty, các chuyên gia đồng thời được kiểm soát kỹ trong quá trình đào tạo và kiểm tra sát hạch. Thực hành, thực tập chiếm tới hơn 2/3 tổng thời gian đào tạo. Kết thúc đợt đào tạo CBCNV vận hành được tham gia lắp đặt thiết bị tại dự án. Do vậy, mọi CBCNV vận hành đều nắm rõ bố trí của toàn bộ hệ thống thiết bị, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, bảo hành, hiệu chỉnh, thí nghiệm,… để phục vụ công tác vận hành, sửa chữa.

CBCNV đã làm chủ kỹ thuật, thiết bị trong công tác vận hành, sửa chữa

Nói về đội ngũ CBCNV kỹ thuật và TVGS: thường xuyên có mặt tại công trường, kiểm tra, giám sát các hạng mục công trình bất kể mưa nắng, ngày đêm để đảm bảo quá trình thi công an toàn, đúng kỹ thuật, chất lượng, tiến độ. Nếu công tác kỹ thuật, giám sát hiện trường, nghiệm thu thực hiện không nghiêm túc hoặc có sai sót sẽ trực tiếp dẫn đến nhiều rủi ro không thể lường trước. Thực tế, nhiều dự án thuỷ điện không kiểm soát được chi phí đầu tư do không quản lý được kỹ thuật, nghiệm thu và TVGS chỉ thuê cho đủ thủ tục. Đối với ZaHưng, công tác quản lý kỹ thuật, TVGS luôn có sự cải tiến, thay đổi để phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Các dự án đã triển khai, công tác này được đảm bảo, kiểm soát được chất lượng, kỹ thuật, tiến độ, nghiệm thu đúng khối lượng. Trước đây TVGS độc lập với Ban QLDA về chuyên môn, đến dự án Nhạn Hạc Tư vấn giám sát độc lập với Ban QLDA về chuyên môn và tổ chức. Đây là điều kiện thuận lợi hơn, tính chuyên môn hoá cao hơn, nâng cao hơn tính trách nhiệm của các cá nhân, bộ phận khi thực hiện nhiệm vụ và nâng cao hiệu quả công việc.

Thứ tư, các dự án ZaHưng đã triển khai luôn đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà đầu tư với việc thúc đẩy kinh tế xã hội tại địa phương và cuộc sống sống của người dân. Đây luôn được xem là vấn đề nhức nhối của nhiều dự án thuỷ điện được các cơ quan báo, đài phản ánh, trong số đó có cả các dự án lớn do Nhà nước đầu tư. Các bất cập phổ biến là: cuộc sống của người dân được bố trí tái định cư có điều kiện ăn ở sinh hoạt, canh tác không phù hợp với thói quen, tập quán; công trình gây chia cắt, cản trở đi lại trong sinh hoạt, canh tác của người dân; ô nhiễm, chất thải, … Trong quá trình triển khai các dự án, Công ty ZaHưng luôn thực hiện đúng quy định, quy trình luật định, các dự án đều không có di dân tái định cư, không chiếm đất canh tác, đập tràn tự nhiên và không xả lũ, ...  nên không gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó các công trình thuộc dự án như: cầu qua đập (dự án ZaHưng), đường vận hành (dự án Nậm Pông), ... đều tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân so với trước đây. Ngoài ra, Công ty luôn tích cực tham gia cùng với chính quyền nâng cao cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân, hỗ trợ trực tiếp người dân địa phương bằng nhiều hình thức thiết thực như: Tặng nhà tình nghĩa cho gia đình thương bệnh binh; Phối hợp với Ban y tế của Tập Đoàn Hà Đô khám sức khoẻ, phát thuốc miễn phí; Đoàn thanh niên Hà Đô, ZaHưng, An Lạc tặng quà Tết trong chương trình “chung tay góp Tết với người nghèo”; Tập Đoàn Hà Đô, ZaHưng thông qua Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng bò sinh sản cho các hộ gia đình khó khăn tại các xã Châu Hạnh, Châu Phong huyện Quỳ Châu; và rất nhiều các hoạt động thiết thực khác.

Mười năm đã qua và các năm tiếp theo, sự phát triển của ZaHưng luôn song hành cùng trách nhiệm xã hội và đảm bảo lợi ích của người dân để giá trị được tạo ra luôn hài hoà và bền vững. Giá trị được tạo ra từ sự khác biệt ngày càng củng cố niềm tin của chính quyền, người dân, các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng, … góp phần tạo lên một ZaHưng ngày càng mạnh mẽ với diện mạo và đẳng cấp mới trên hành trình đầu tư năng lượng.

 

Nguyễn Văn Cường – TP HCNS Công ty CP ZaHưng