HÀNH TRÌNH ĐẦU TƯ NĂNG LƯỢNG - SỰ QUYẾT LIỆT TỪ TẦM NHÌN TỚI HÀNH ĐỘNG
Đối với mỗi quốc gia, an ninh năng lượng luôn có vai trò quan trọng, quyết định đến sự phát triển của đất nước. Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, năng lượng luôn được xem là yếu tố quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo sự tăng trưởng của nền kinh tế. Đánh giá đúng quy luật này, từ đầu những năm 2000 Chủ tịch Tập Đoàn Hà Đô đã chỉ đạo các phòng chuyên môn: kỹ thuật, kinh tế, kế hoạch, … nghiên cứu, khảo sát mọi mặt và phối hợp với một số nhà đầu tư khác triển khai thực hiện đầu tư năng lượng với chiến lược trong giai đoạn đầu tập trung vào đầu tư thuỷ điện. Thực tế rằng, trong thời buổi xã hội làm thủy điện theo kiểu “Trăm hoa đua nở” đã chứng kiến không ít dự án dơi vào tình trạng “đắp chiếu” hoặc làm xong vận hành không đạt công suất thiết kế, … Bên cạnh đó, thuỷ điện còn là ngành có tính phức tạp riêng: vốn lớn, tổng hợp nhiều chuyên ngành: xây dựng, thiết bị, thủy văn, địa chất, … Tất cả những yếu tố đó đều đã được Tập đoàn nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra một chiến lược đầu tư bền vững.
Từ tháng cuối năm 2005, Tập Đoàn chủ trì cùng với một số cổ đông khác như: Công ty Cổ phần Đầu tư An Lạc, Ngân hàng TMCP Bắc Á, Công ty CP Đầu tư Quốc tế ASEAN, ... thành lập Công ty Cổ phần Za Hưng chuyên thực hiện công tác đầu tư các dự án thủy điện. Đến tháng 3/2007 công tác chuẩn bị đã hoàn thành, dự án thủy điện Za Hung có công suất 30MW, tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng đã chính thức được khởi công xây dựng tại xã Za Hung, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.
Đại tá Nguyễn Trọng Thông – Chủ tịch HĐQT cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và ngành điện
phát lệnh khởi công Dự án ZaHung – huyện Đông Giang, Quảng Nam
Mặc dù là dự án đầu tay, nhưng với năng lực chuyên môn tốt và tinh thần lao động nghiêm túc, sự phối hợp của đội ngũ những chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm cho nên công tác triển khai dự án đã được tổ chức một các khoa học, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật, chất lượng. Ban điều hành Công ty đã mạnh dạn kiến nghị thay đổi nhiều so với thiết kế ban đầu như: không đổ bê tông vỏ hầm (Thủy điện Za Hung là một trong số rất ít hầm thuỷ điện không áo đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam); Giảm thi công các hạng mục dẫn dòng; Điều chỉnh kết cấu thép ở thân đập; Quyết định hỗ trợ, chia sẻ với nhà thầu trong quản lý, kinh tế, … Toàn bộ những điều chỉnh trên đã tiết kiệm chi phí hàng chục tỷ đồng và góp phần quản lý an toàn, đảm bảo chất lượng, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Tháng 7/2009 sau hơn 2 năm khẩn trương thi công Dự án thủy điện Za Hung đã chính thức phát điện an toàn, hòa lưới điện quốc gia. Dự án thủy điện Za Hung được các cơ quan của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chính quyền địa phương đánh giá tốt về kỹ thuật và kinh tế - xã hội.
Đến cuối năm 2010 Công ty Za Hưng tiếp tục đầu tư dự án Thủy điện Nậm Pông với công suất 30MW, tổng vốn đầu tư 750 tỷ đồng tại huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Quá trình đầu tư xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Nậm Pông gặp rất nhiều khó khăn như điều kiện địa hình, địa chất phức tạp, dự án có đường hầm chính dẫn nước dài 4,5km, đường hầm phụ dài 500m đi qua nhiều vùng địa chất xấu; Dự án được đầu tư trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, thị trường tài chính bất ổn, việc thu xếp, huy động vốn đầu tư gặp nhiều khó khăn, chi phí nhân công và nguyên vật liệu tăng nhanh ... Với năng lực, kinh nghiệm thực tế kết hợp với các đơn vị thiết kế, chuyên gia trong và ngoài nước, Ban điều hành Công ty đã thực hiện các điều chỉnh lớn về thiết kế để đảm bảo kỹ thuật, kinh tế và đẩy nhanh tiến độ như: thay đổi vị trí nhà máy từ Sông Hiếu về suối Nậm Pông đã tránh được địa chất xấu tại Nhà máy, rút ngắn đường hầm được 1,5km (ban đầu là 6km), điều chỉnh cao độ đặt nhà máy, điều chỉnh độ sâu và vị trí đường hầm, kết cấu vỏ hầm, điều chỉnh và giảm chiều dài đường ống áp lực, … Các giải pháp điều chỉnh về thiết kế trên đã tiết kiệm chi phí đầu tư cho dự án hàng trăm tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai dự án Nậm Pông Ban điều hành luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Chủ tịch HĐQT để đưa ra quyết định kịp thời và tháo gỡ dứt điểm những khó khăn vướng mắc.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Thông kiểm tra thi công đường hầm - dự án thuỷ điện Nậm Pông - tỉnh Nghệ An.
Các dấu mốc quan trọng trong quá trình triển khai dự án thuỷ điện Nậm Pông:
- Tháng 11/2010 Khởi công Dự án
- Tháng 2/2011 Thi công công trình chính
- Tháng 11/2011 Ngăn sông chặn dòng thi công đập đầu mối
- Tháng 1/2013 Hoàn thành việc đào và gia cố tạm 4465m đường hầm dẫn nước
- Tháng 9/2013 Hoàn thành đường dây 110 KV đấu nối điện từ Nhà máy thủy điện Nậm Pông lên lưới điện Quốc Gia
- Tháng 10/2013 Hoàn thành lắp đặt thiết bị Nhà máy và xây dựng công trình chính
- Tháng 11/2013 Phát điện
Đại tá Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch HĐQT cùng lãnh đạo tỉnh Nghệ An cắt băng
khánh thành Nhà máy thủy điện Nậm Pông - huyện Quỳ Châu, Nghệ An
Cho đến nay sau khi đi vào hoạt động, các dự án đều đã khẳng định được giá trị thiết thực cho Công ty cũng như hiệu quả về kinh tế và lợi ích xã hội qua các mặt:
Các dự án của Công ty hàng năm đã đóng góp khoảng 250 triệu KWh cho lưới điện quốc gia, tổng lượng điện đã phát vào lưới điện quốc gia đến nay đạt 658triệu KWh, doanh thu đạt 670,5 tỷ đồng, tổng nộp ngân sách Nhà nước đạt 88,3tỷ đồng. Các dự án còn tạo ra hàng trăm ngàn ngày công lao động và công ăn việc làm thường xuyên cho hàng trăm người.
Bên cạnh đó, dự án của Công ty đầu tư nằm trong số rất ít những dự án thuỷ điện không mắc phải 7 vấn đề dư luận quan tâm, lo ngại và được thảo luận tại Quốc hội để khắc phục, gồm: Thực hiện đúng, đầy đủ các quy trình, thủ tục đầu tư từ khảo sát đến thiết kế, thi công và vận hành sản xuất; Đảm bảo an toàn hồ, đập; Thực hiện đúng quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng; Dự án có tác động tích cực đối với tình hình kinh tế xã hội tại địa phương, thông qua các khoản nộp thuế lớn hàng năm (Za Hung 25 tỷ đồng/năm, Nậm Pông 23 tỷ đồng/năm), giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại địa phương; Hầu như không gây ảnh hưởng đến môi trường, không gây ngập lụt, không phá rừng, không phải di dời tái định cư; Chất lượng công trình, thiết bị tốt; Hoàn thành đúng tiến độ cam kết.
Trên cơ sở những thành quả đã đạt được, tháng 6 năm 2014 Nghị quyết ĐHĐCĐ của Công ty đã chính thức phê chuẩn đầu tư dự án thủy điện Nhạn Hạc tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ an. Dự án có công suất thiết kế 45MW, chi phí đầu tư ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch dự án được triển khai đầu tư từ năm 2014, phát điện quý 3 năm 2017, hoàn thành quyết toán dự án vào quý 2 năm 2018. Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2014 của Công ty cũng đã phê duyệt: Chiến lược 2016 – 2020 Công ty phấn đấu sở hữu và vận hành các nhà máy thủy điện đạt công suất 200MW; Tầm nhìn 2021 – 2030, Công ty tiếp tục phát triển các dự án thủy điện và phát triển các dự án điện gió, điện sinh khối, điện mặt trời, ưu tiên phát triển điện gió khi Nhà nước có chính sách phù hợp.
Hành trình đầu tư năng lượng của Công ty Cổ phần Za Hưng đã trải qua gần 10 năm hoạt động với những khó khăn và thành công. Đây là quãng thời gian không dài so với vòng đời của một dự án năng lượng nhưng đã đánh dấu những bước đi vững chắc của Công ty thông qua việc đưa vào vận hành những Nhà máy thuỷ điện có khả năng hoạt động an toàn, lâu dài từ trí tuệ và sự quyết liệt trong hành động.
Nguyễn Văn Cường – TP HCNS Công ty CP ZaHưng
Bài viết liên quan
- Phát biểu của TGĐ nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Công ty (28/11/2005 - 28/11/2020)
- THÔNG CÁO BÁO CHÍ: Lễ Khánh thành Nhà máy thủy điện Nhạn Hạc
- Tích nước hồ thuỷ điện Nhạn Hạc
- THÔNG HẦM DỰ ÁN NHẠN HẠC
- ĐẲNG CẤP TỪ SỰ KHÁC BIỆT
- BỔ NHIỆM CÁN BỘ NHÀ MÁY ZAHUNG VÀ NẬM PÔNG
- LỄ CÔNG BỐ VÀ TRAO QUYẾT ĐỊNH BỔ NHIỆM NHÂN SỰ
- Đoàn Thanh tra của HĐQT, BKS kiểm tra dự án Nhạn Hạc sau lũ quét
- Ký Hợp đồng thiết bị Dự án thuỷ điện Nhạn Hạc
- Công ty Cổ phần ZaHưng tổ chức công bố và trao các quyết định sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ